Sau thời gian dài đóng băng do dịch COVID-19, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục và thức tỉnh thời gian tới.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát thì du lịch sẽ là ngành được ưu tiên phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ các chương trình ưu đãi kích cầu hấp dẫn, kéo theo đó là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng nóng lên.

Thực tế, hàng loạt yếu tố tích cực bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2021 đã hâm nóng thị trường. Theo Tổng cục Du lịch, tính đến cuối tháng 11.2021 đã có 978 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sử dụng “hộ chiếu vaccine” theo Hướng dẫn số 4122/HD-BVHTTDL thí điểm đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Như vậy, lần đầu tiên sau gần 19 tháng, ngành du lịch mới có con số thống kê về khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đây được xem là tín hiệu hết sức đáng mừng đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và những nhà đầu tư bất động sản du lịch nói riêng.
Bên cạnh đó, báo cáo quý 3/2021 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chỉ ra rằng, dù giãn cách kéo dài nhưng giao dịch các dự án du lịch nghỉ dưỡng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan. Lượng sản phẩm chào bán trong Quý đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch đạt 2,280 sản phẩm, tương đương tỉ lệ hấp thụ 31,6%.
Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định, giai đoạn 2022 – 2023, thị trường du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm một loạt thương hiệu mới như Grand Mercure, Fairmont, Eastin, Four Seasons, Lotte, Dusit and Wink Hotel.